Yêu cầu được Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Văn Út đưa ra trong chuyến khảo sát thực địa và làm việc với các sở ngành, địa phương có tuyến cao tốc đi qua, ngày 9/7.
Dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài dài 51 km, tổng vốn đầu tư hơn 19.600 tỷ đồng, được Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 8/2024. Giai đoạn một triển khai theo hình thức BOT, quy mô 4 làn xe và làn dừng khẩn cấp.

Đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh khảo sát thực địa dự án cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Ảnh: Thường Sơn
Tuyến đường đi qua TP HCM và tỉnh Tây Ninh, trong đó Tây Ninh phụ trách đoạn dài 26,3 km thuộc thành phần 4 - công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, với tổng kinh phí hơn 1.500 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh, đoạn tuyến qua Tây Ninh ảnh hưởng hơn 2.250 hộ dân và 17 tổ chức. Đến ngày 26/6, địa phương đã chi trả bồi thường cho 769 hộ với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng, đạt hơn 44%.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương cho biết tiến độ chi trả chậm hơn 13 ngày do ảnh hưởng quá trình sáp nhập đơn vị hành chính. Cụ thể, đến ngày 7/7 các Trung tâm phát triển quỹ đất khu vực mới được cấp đổi con dấu; đến 8/7 mới bắt đầu đăng ký tài khoản kho bạc để giải ngân.

Thiết kế một đoạn cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Ảnh: Công ty Tedi South
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út yêu cầu các đơn vị ưu tiên bố trí kinh phí chi trả cho người dân bị ảnh hưởng, đồng thời khẩn trương hoàn thiện các khu tái định cư. Ông cũng đề nghị các địa phương và sở ngành nghiên cứu đề xuất thành lập hội đồng bồi thường giải phóng mặt như cấp huyện trước đây để đẩy nhanh tiến độ, dù chưa có hướng dẫn mới.
"Tỉnh đặt mục tiêu đến giữa tháng 8 phải hoàn tất bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án trọng điểm quốc gia", ông Út nói.

Sơ đồ hướng tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài. Đồ họa: Khánh Hoàng
Cao tốc TP HCM - Mộc Bài sau khi hoàn thành được kỳ vọng giảm áp lực giao thông quốc lộ 22, rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM đi cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh), kết nối với Campuchia, thúc đẩy phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tỉnh Tây Ninh (mới) sáp nhập giữa tỉnh Tây Ninh và Long An (cũ) giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối vùng Đông - Tây Nam bộ. Tỉnh này án ngữ phía Nam, Tây và một phần phía bắc TP HCM, do đó có lợi thế về mặt giao thông. Ngoài tuyến cao tốc TP HCM - Mộc Bài, Tây Ninh hiện được quy hoạch hàng loạt công trình giao thông trọng điểm khác.
Trong đó, hai công trình cao tốc Bến Lức - Long Thành và Vành đai 3 đang về đích. Cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58 km qua Tây Ninh, TP HCM, Đồng Nai, tổng mức đầu tư 29.587 tỷ đồng. Tuyến đường có 4 làn xe chạy, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ tối đa 100 km/h. Đây là dự án cao tốc lớn nhất phía nam giúp liên kết hai vùng Đông và Tây Nam Bộ, phân luồng xe không phải chạy qua nội đô TP HCM. Tuyến đường hiện khai thác một phần và dự kiến thông xe toàn bộ năm sau.
Vành đai 3 đoạn qua Tây Ninh đạt gần 80% tiến độ, dự kiến thông xe ngay cuối năm nay. Toàn công trình dài 90 km, qua Tây Ninh, TP HCM, Đồng Nai, có nhiều nút giao với cao tốc quanh khu vực phía nam, đóng vai trò thúc đẩy liên kết vùng, lưu thông hàng hóa.
Các trục đường huyết mạch khác đang được tỉnh thúc đẩy tiến độ có quốc lộ 50B nối từ TP HCM qua Tây Ninh đến Đồng Tháp (Tiền Giang cũ); Vành đai 4 (vừa được Quốc hội phê duyệt). Trong tương lai, theo quy hoạch mạng lưới cao tốc, tỉnh còn có thêm tuyến Gò Dầu - Xa Mát, tuyến kết nối với các tỉnh miền Tây. Khi các tuyến đưa vào vận hành, Tây Ninh sẽ là tỉnh có mạng lưới cao tốc đa dạng và dày đặc nhất cả nước.
Hoàng Nam